Hiểu đúng về bệnh đột quỵ và tai biến mạch máu não:
Nhiều gia đình và bệnh nhân thắc mắc về vấn đề là tai biến mạch máu não và đột quỵ giống hay khác nhau? Họ thường gặp các thuật ngữ này khi được bác sĩ chẩn đoán hoặc đề nghị cần phòng ngừa bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về hai thuật ngữ quen thuộc này trong bài viết dưới đây nhé.
Đột quỵ và tai biến mạch máu não thực ra chỉ là một
Nhiều người rất dễ nhầm lẫn đây là hai căn bệnh khác nhau nhưng thực chất, đột quỵ và tai biến mạch máu não là tên gọi của cùng một bệnh. Đây là 2 cụm từ để chỉ tình trạng bệnh lý cấp tính, gây ra bởi sự thiếu máu đột ngột của toàn bộ hay một phần não bộ. Khi vùng não không được cung cấp đủ máu, màng ôxy và chất dinh dưỡng nuôi dưỡng não sẽ không đến được các tế bào não, khiến cho các tế bào não sẽ chết đi nhanh chóng trong vòng vài phút sau khi bị bệnh.
Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến thần kinh, nhận thức, vận động và cảm giác của những vùng cơ thể do phần não bị tổn thương chi phối, khiến một bộ phận cơ thể bị tê, yếu, thậm chí liệt nửa người hoặc hôn mê và có thể tử vong do máu tràn vào não với hai dạng chính là nhồi máu não (tắc mạch máu não) và xuất huyết não (vỡ mạch máu não).
Nếu như thuật ngữ tai biến mạch máu não nhằm chỉ ra nơi khởi phát bệnh là tại các mạch máu nuôi bộ não khi dòng máu bị chặn lại hoặc một mạch máu trong não bị vỡ, kết quả là máu thấm vào mô não, chèn ép và gây tổn thương cho các tế bào não; Thì cụm từ đột quỵ nói lên sự cấp tính của bệnh. Dù vậy, cả hai cách gọi này đều biểu thị tính chất đột ngột, nguy hiểm của bệnh và chung quy là đều có thể khiến một người đang khỏe mạnh bình thường bỗng có thể gục xuống, hôn mê, không nói được, mất khả năng nhận thức, đối mặt với các di chứng nghiêm trọng như tàn tật, liệt nửa người,… thậm chí là tử vong.
Trên thế giới, mỗi 45 giây trôi qua có ít nhất một người bị đột quỵ và cứ 3 phút thì lại có một người tử vong do tình trạng này (theo thống kê của Hiệp Hội Đột quỵ Mỹ). Riêng tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Điều khủng khiếp là có đến 100.000 người tử vong trong số đó (chiếm 50%) và chỉ có chưa tới 10% người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn sau đột quỵ.
Trước đây, đột quỵ hầu như chỉ thường gặp ở những người trên 50 nhưng hiện nay độ tuổi mắc căn bệnh này đang trẻ hóa đến “giật mình”. Theo thống kê tại các bệnh viện, số người trẻ tuổi mắc căn bệnh này đang có xu hướng tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm.
Làm sao để phòng ngừa đột quỵ (tai biến mạch máu não)?
Do diễn biến của bệnh lý cực kỳ nhanh, nguy hiểm, có nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng vĩnh viễn cao nên việc chủ động phòng chống đột quỵ (tai biến mạch máu não) từ sớm là ưu tiên hàng đầu. Ngay từ lúc này, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm bớt nỗi lo đột quỵ bất ngờ:
1. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ
Điều trị rối loạn lipid máu: Điều trị bằng thuốc phải kết hợp với liệu pháp thay đổi lối sống nhằm điều chỉnh rối loạn lipid máu, trong đó đặc biệt làm giảm cholesterol. Những người trên 45 tuổi cần được kiểm tra lipid máu định kỳ 6-12 tháng/lần.
Kiểm soát đường huyết: Có thể kiểm soát bệnh đái tháo đường bằng thuốc điều trị kết hợp với chế độ ăn uống, tập thể dục, kiểm soát cân nặng.
Kiểm soát trị số huyết áp: Mục tiêu điều trị nhằm đạt trị số huyết áp dưới 140/90mmHg để làm giảm các biến chứng về tim mạch, thận. Sử dụng thuốc hạ huyết áp đều đặn và đúng cách theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về tim như: rối loạn nhịp (đặc biệt là rung nhĩ), các tổn thương van tim, cơ tim đặc biệt là nhồi máu mới, nhồi máu cũ và bệnh lý cơ tim.
2. Liệu pháp thay đổi lối sống
Chế độ ăn uống: Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo, kiểm soát cân nặng, ngăn tình trạng béo phì. Thực hiện chế độ ăn muối và kali hợp lý: Ăn mặn làm tăng huyết áp. Mức độ ăn kiêng được khuyến cáo chung là không quá 6g muối ăn mỗi ngày. Nên bổ sung kali bằng ăn thêm hoa quả và rau tươi. Giữ trọng lượng cơ thể trong giới hạn. Cai thuốc lá triệt để vì hút thuốc làm nguy cơ đột quỵ và bệnh mạch vành tăng, nhất là ở những người hút trên 40 điếu mỗi ngày.
Tập thể dục để làm giảm thấp các yếu tố nguy cơ như làm hạ huyết áp, giảm béo phì, hạn chế tiến triển tổn thương vữa xơ động mạch. Tập thể dục mức độ trung bình, chẳng hạn như đều đặn đi bộ 30 phút mỗi ngày. Có thể đạp xe đạp hoặc bơi lội ít nhất 30 phút/lần/ngày, 5 ngày/tuần cũng rất hữu ích.
Duy trì giấc ngủ khoảng 7h mỗi ngày. Nên ngủ sớm, dậy sớm.
Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là một trong những bệnh lý tạo ra gánh nặng cho gia đình, xã hội vì chi phí điều trị rất cao và tỷ lệ tàn phế rất nặng. Tuy nhiên đột quỵ não là một bệnh có thể phòng bệnh được khi chúng ta phát hiện và điều trị sớm các yếu tố nguy cơ của bệnh như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, các bệnh lý tim mạch dễ tạo cục tắc như rung nhĩ loạn nhịp hoàn toàn…
Xem thêm: Tác dụng của Đông y trong ngăn ngừa đột quỵ và hỗ trợ giảm di chứng
Vì vậy đối với những người cao tuổi nên khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não để có biện pháp phòng bệnh hiệu quả theo đúng phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh’’. Một khi đột quỵ đã xảy ra, bệnh nhân cần được nhanh chóng đến bệnh viện vào các đơn vị (trung tâm) đột quỵ để điều trị kịp thời giảm tỷ lệ tử vong, và di chứng sau này.
Nguồn: Tổng hợp