Những biến chứng nguy hiểm của cao huyết áp mà bạn không ngờ tới
Tăng huyết áp thường không rõ triệu chứng, trừ khi bệnh nhân tăng huyết áp lên quá cao và đột ngột có thể xuất hiện tình trạng choáng váng, ù tai, hoa mắt, đỏ mặt buồn nôn, đau tức ngực,…
Tuy nhiên đa số người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng gì và phần lớn thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các triệu chứng kể trên thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Chính vì thế tăng huyết áp còn được gọi là ‘kẻ giết người thầm lặng”.
(Các biểu hiện của cao huyết áp không rõ ràng và hay bị bệnh nhân bỏ qua)
Tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh bằng nhiều cách. Thường thì nó làm tăng gánh nặng cho tim và động mạch (tim phải co bóp mạnh hơn). Tim phải làm việc nặng hơn trong thời gian dài, dần dãn ra, thành tim dày hơn và sẽ dẫn đến suy tim.
Đây là bệnh lý nguy hiểm dẫn đến nhiều biến chứng tim mạch (như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim,…). Càng cao tuổi, động mạch càng xơ cứng và kém đàn hồi. Điều này xảy ra với hầu hết mọi người, không liên quan đến huyết áp của người đó, nhưng tăng huyết áp lại làm quá trình này xảy ra nhanh hơn và sớm hơn.
Đặc biệt, tăng huyết áp làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nó cũng có thể làm tổn thương thận và mắt. So sánh giữa người cao huyết áp và người huyết áp bình thường thì:
- Bệnh động mạch vành tăng gấp 3 lần
- Suy tim tăng 6 lần
- Đột quỵ tăng 7 lần
>> Xem thêm: Bạn đã biết những gì về bệnh cao huyết áp?
Cụ thể hơn về các biến chứng phổ biến của bệnh cao huyết áp
Biến chứng lên mạch máu:
Khi bị huyết áp cao, áp lực trong lòng mạch bị tăng lên, theo thời gian sẽ làm mất tính đàn hồi của mạch máu và làm động mạch bị xơ cứng. Do áp lực liên tục làm động mạch giãn và gây nên chứng phình động mạch rất nguy hiểm. Phình động mạch chủ nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời có thể bị vỡ và dẫn đến tử vong.
Biến chứng cấp tính: xuất huyết não, tắc mạch não, tai biến mạch máu não thoáng qua, bệnh não do tăng huyết áp…
Biến chứng mạn tính: tai biến mạch máu não, tai biến mạch máu não thoáng qua.
Biến chứng tim mạch:
Huyết áp cao có thể gây xơ cứng và dày các thành động mạch (xơ vữa động mạch) và làm hẹp mạch vành gây đau ngực do thiếu máu cơ tim, nặng có thể gây nhồi máu cơ tim.
Tăng huyết áp cũng làm cho tim phải hoạt động mạnh làm cơ tim dày (phì đại tâm thất trái) làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tim để bơm máu đến các cơ quan khác lâu dần cơ tim suy yếu và dẫn đến tim to, suy tim.
Biến chứng cấp tính: phù phổi cấp, nhồi máu cơ tim cấp…
Biến chứng mạn tính: dày thất trái, suy vành mạn, suy tim…
Biến chứng về não:
Xuất huyết não: Khi huyết áp lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não hay còn gọi là đột quỵ, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong (các di chứng của bệnh nhân tùy vào vùng xuất huyết lớn hay nhỏ, và tùy vị trí vùng xuất huyết làm chết những dây thần kinh nào)
Nhũn não: Cao huyết áp làm hẹp mạch máu nuôi não (tương tự như mạch vành), nếu mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não sẽ gây chết 1 vùng não (còn gọi là nhũn não).
Thiếu máu não: Cao huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm lượng máu bơm lên não không đủ để cung cấp oxy và dinh dưỡng khiến bệnh nhân thấy đau đầu chóng mặt, hoa mắt, có khi ngất xỉu và bất tỉnh.
Biến chứng về thận:
Thận là một trong những bộ phận đóng vai trò giữ cho huyết áp của cơ thể được bình thường. Bệnh huyết áp cao gây hư hại các mạch máu trong thận làm thận mất chức năng lọc, làm hẹp động mạch thận, từ đó gây ra các biến chứng như đái máu, đái ra protein, suy thận….
Biến chứng về mắt:
Tăng huyết áp khiến tất cả các mạch máu nuôi cơ thể đều bị ảnh hưởng, kể cả các mạch máu tới mắt.Tăng huyết áp có thể gây ra bệnh lý về võng mạc, phù, xuất huyết, xuất tiết, mạch co nhỏ,….thậm chí là mù vĩnh viễn.
Các biến chứng khác như:
Cao huyết áp liên tục có thể ảnh hưởng đến các mạch máu ở tứ chi. Nó có thể làm thu hẹp và cứng các mạch máu ở chân dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên (PAD).
Huyết áp cao cũng gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của người bệnh, nhất là chứng ngừng thở khi ngủ (OSA); ảnh hưởng tới sự chuyển hóa canxi dễ gây loãng xương, gãy xương, đặc biệt ở người cao tuổi và những người đã có những bệnh lý nền như tiểu đường, đột quỵ, béo phì, xơ vữa động mạch.
Tăng huyết áp là một bệnh cần điều trị lâu dài. Bệnh có thể được kiểm soát nhưng không thể chữa khỏi được, các phương pháp điều trị hiện tại nhằm giúp ổn định huyết áp, giảm được các biến chứng nguy hiểm của cao huyết áp như tai biến, suy tim và bệnh thận.
Cách phòng tránh các biến chứng nguy hiểm do cao huyết áp
Để làm giảm nguy cơ cao huyết áp cần cố gắng giảm căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong gia đình.
Tăng cường vận động: Tập luyện thể dục thể thao với mức độ phù hợp với từng cá nhân, ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 5 lần/ tuần. Duy trì chỉ số BMI trong giới hạn bình thường sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, béo phì.
(Thể dục giúp hạn chế tác động xấu của huyết áp tới tim mạch)
Chế độ ăn hợp lý: Giảm ăn mặn (dưới 5g muối một ngày); tăng cường chất xơ, ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế các loại gia vị cay nóng, những thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng.
Cố gắng tránh sử dụng rượu, bia, thuốc lá, các loại thuốc có tác dụng ức chế thần kinh,….
Đặc biệt, người bệnh cần phải dùng thuốc đúng, đầy đủ và liên tục theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Những nghiên cứu cho thấy, việc dùng đúng các thuốc hạ huyết áp không chỉ làm giảm huyết áp như mong muốn mà còn giúp giảm đáng kể các tổn thương cơ quan đích.
Thường xuyên kiểm tra huyết áp ít nhất 2 lần/ngày vào sáng sớm và tối để phát hiện được những thay đổi bất thường trong cơ thể.
>> Xem thêm: Thói quen xấu tăng nguy cơ đột cao gấp 2 lần ở người cao huyết áp
Nguồn: Tổng hợp