Chuyện chích máu đầu ngón tay điều trị đột quỵ
Có một khoảng thời gian, trên Facebook và các trang mạng xã hội khác đều nhan nhản những bài chia sẻ như vậy và nó làm người đọc tin rằng đây là “cẩm nang vàng”. Tuy nhiên, đây lại là cách cấp cứu sai lầm, làm ảnh hưởng đến cơ hội sống sót của bệnh nhân.
Vì sao không nên lấy kim chích 10 đầu ngón tay khi bị đột quỵ?
Thứ nhất, có quan điểm cho rằng nặn máu ở 10 đầu ngón tay thì sẽ giúp giảm huyết áp và giảm áp lực lên não nhưng thực sự thì lượng máu lấy ra được rất ít, không ảnh hưởng nhiều đến lượng máu trong cơ thể.
Thứ hai, nhiều bài viết đưa lời khuyên rằng nếu thấy bệnh nhân bị méo miệng thì kéo chà tai cho đỏ lên. Lời khuyên này không có cơ sở vì khi bị đột quỵ, não mới là cơ quan có vấn đề và cần được điều trị (vì não không kiểm soát được các cơ trên mặt mới gây méo miệng).
Thứ ba, nhiều bài viết bảo đợi vài phút, khi thấy bệnh nhân tỉnh lại mới chở đi bệnh viện (vì nếu bệnh nhân đang bất tỉnh mà chở đi thì việc dằn xóc sẽ khiến mạch máu vỡ tung ra vì sốc). Điều này gây nguy hiểm cho người bệnh vì trong cấp cứu đột quỵ, thời gian là vàng, thời gian quyết định sự sống của bộ não cũng như tính mạng của bệnh nhân. Trong khi đó, phương pháp trên vẫn chưa được các nhà y học thừa nhận là có tác dụng đối với đột quỵ.
(Khi gặp bênh nhân đột quỵ cần nhanh chóng gọi trợ giúp y tế khẩn cấp 115)
Khi phát hiện có người đột quỵ, cần làm gì?
Lúc này, điều đầu tiên bạn cần làm là giữ bình tĩnh và gọi 115 (như đã nói ở trên). Nếu bạn ở vùng sâu vùng xa khiến đội ngũ cấp cứu không đến nhanh được thì bạn cần sắp xếp để đưa bệnh nhân đến bệnh viện một cách nhanh nhất (tốt nhất là dùng cán khiêng và cho bệnh nhân nằm hơi ngửa ra – không ngả ra hoàn toàn – để bảo trợ đường thở).
(Gọi ngay cấp cứu 115 khi gặp bệnh nhân bị đột quỵ - tai biến mạch máu não)
Theo các bác sĩ, 3 tiếng đồng hồ đầu tiên là thời gian vàng để cứu bệnh nhân đột quỵ và nếu bệnh nhân được đem đến bệnh viện sớm hơn (dưới 1,5 tiếng) thì khả năng được điều trị thành công mà không để lại di chứng của bệnh nhân sẽ cao hơn rõ rệt.
>> Xem thêm: Hướng dẫn sơ cứu khi gặp người đột quỵ - tai biến
Cách ngăn ngừa đột quỵ
Đối với trường hợp đột quỵ, chúng ta không phải là chuyên gia y tế nên không thể tự can thiệp mà chỉ có cách nhanh chóng gọi cấp cứu. Tuy nhiên, chúng ta lại hoàn toàn có thể ngăn ngừa đột quỵ và đây cũng là điều duy nhất mà chúng ta có thể làm.
(Chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa đột quỵ bằng những thói quen hàng ngày)
Để phòng tránh đột quỵ, chúng ta phải ngăn ngừa và điều trị các chứng bệnh dễ dẫn đến đột quỵ như: mỡ máu cao, huyết áp cao, đường huyết cao, béo phì, tim mạch… Ngoài ra, với những người hay hút thuốc lá thì cần có kế hoạch để bỏ thuốc.
>> Xem thêm: Những phương pháp phòng ngừa đột quỵ tại nhà
Hơn nữa, với những người đã từng bị đột quỵ thì xác xuất tái phát trong 30 ngày cũng rất cao. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám thường xuyên để tầm soát bệnh.
Nguồn: Kiến Thức Y Học - Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần
(bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Methodist Hospital).