Tất cả những điều bạn cần biết về đột quỵ
1. Định nghĩa
Đột quỵ não (stroke) hoặc cơn tai biến mạch máu não (cerebrovascular accident) do mất đột ngột lưu lượng máu tới não (chảy máu não hoặc nhồi máu não) dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và có khả năng gây tử vong.
Đột quỵ não là một bệnh thần kinh đe dọa cuộc sống phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới.Ước tính, mỗi 45 giây trôi qua có ít nhất một người bị đột quỵ và cứ 3 phút thì lại có một người tử vong do tình trạng này (theo thống kê của Hội Đột quỵ Mỹ). Riêng tại Việt Nam, hàng năm có khoảng hơn 200.000 người bị đột quỵ. Tuy nhiên chỉ có 50% tức là gần 100.000 người được cứu sống và 90% trong số họ phải sống cả đời cùng những di chứng nguy hiểm.
(Di chứng sau tai biến vô cùng nặng nề và gần như không thể hồi phục hoàn toàn)
Trước đây, đột quỵ hầu như chỉ thường gặp ở những người trên 50 nhưng hiện nay độ tuổi mắc căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa nhanh chóng. Theo thống kê tại các bệnh viện, số người trẻ tuổi mắc căn bệnh này đang có xu hướng tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm.
2. Các loại đột quỵ chính
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Gây ra bởi tắc nghẽn trong động mạch, chiếm khoảng 80% số ca đột quỵ. Mặc dù có những đánh giá trên diện rộng, nhiều cơn đột quỵ thuộc dạng này vẫn còn chưa rõ nguyên nhân. May mắn thay, các liệu pháp dự phòng có hiệu quả cho tất cả các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ phổ biến là:
Đột quỵ do huyết khối: Một cục máu đông (huyết khối) hình thành trong một động mạch ở cổ hoặc não. Những động mạch này có thể có tích tụ chất béo, gọi là các mảng bám.
Đột quỵ do tắc mạch: Tắc nghẽn bởi các cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể (thường là tim) và di chuyển đến não. Nguồn phổ biến thường là nhịp bất thường ở hai buồng phía trên của tim (rung tâm nhĩ), có thể làm hình thành cục máu đông.
Đột quỵ do xuất huyết: Xuất huyết có nghĩa là chảy máu. Loại đột quỵ này được gây ra bởi sự rò rỉ hoặc vết nứt trên một động mạch não hoặc trên bề mặt não. Những vết nứt này có thể là do phình mạch (một khu vực mỏng, yếu trên thành động mạch) hoặc bởi sự dị dạng của hệ thống mạch máu não. Xuất huyết có thể xuất hiện ở trong não, hoặc trong khoảng không giữa não và lớp bảo vệ bên ngoài của nó. Khoảng 15% trường hợp đột quỵ là do xuất huyết.
Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA): Thường gọi là đột quỵ nhỏ, TIA thực chất là những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, thường chỉ kéo dài vài phút. TIA được gây ra bởi sự giảm tạm thời dòng máu cung cấp cho một phần của não, và không gây ra tác dụng rõ rệt lâu dài. Nhưng TIA được coi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ cao hơn, và cần được đánh giá bởi một bác sỹ ngay.
3. Các nguyên nhân gây đột quỵ
Tăng huyết áp: (cao huyết áp): Nguy cơ đột quỵ bắt đầu tăng khi huyết áp duy trì ở trên mức 115/75. Tăng huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, tăng huyết áp còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông máu lên não. Khám huyết áp là một trong những biện pháp để tìm ra nguyên nhân tai biến mạch máu não.
Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh việc gây hại cho phổi, hút thuốc cũng làm tổn thương thành mạch máu, làm tăng quá trình xơ cứng động mạch, khiến tim làm việc nhiều hơn và làm tăng huyết áp. Phơi nhiễm với hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, nếu bạn dừng hút thuốc từ 2-5 năm thì tỷ lệ đột quỵ của bạn sẽ giảm xuống bằng với người bình thường.
Cholesterol cao và mỡ máu: Mức cholesterol từ 200 trở xuống là tốt nhất cho người trưởng thành. Cholesterol thừa có thể tích tụ trên thành động mạch và dẫn đến tắc những mạch này. Thừa cân làm quá tải toàn bộ hệ tuần hoàn và mở đường cho các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ, như là cao huyết áp, các bệnh tim mạch, máu nhiễm mỡ.
Thừa cân, béo phì: Người bị thừa cân béo phì có thể dẫn đến nhiều bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch và tăng nguy cơ bị đột quỵ não.
Đau đầu: Theo nghiên cứu của Đại học Y khoa hoàng gia Luân Đôn (Anh), 40% những người bị đột quỵ có liên quan trực tiếp đến đau đầu. Kết quả này cho thấy đau đầu ít nhiều có liên quan đến đột quỵ.
Mất ngủ: Theo các chuyên gia tại ĐH Y khoa Icahn (ISM), ngủ dưới 5 giờ/ngày, có nguy cơ đột quỵ cao hơn đến 83% so với người ngủ đủ 7-8 giờ ngày. Do đó, mất ngủ trong thời gian dài có thể là nguyên nhân khởi phát tai biến mạch máu não.
Lối sống không lành mạnh: ăn uống không điều độ, không cân bằng đầy đủ các loại dưỡng chất; dùng các chất kích thích, lười vận động có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não. Trong đó, thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não lên gấp 2 lần. Vì sao? Khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, gia tăng quá trình xơ cứng động mạch. Thuốc lá cũng gây hại cho phổi, khiến tim làm việc nhiều hơn, gây tăng huyết áp.
4. Các giai đoạn và triệu chứng của tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não có 2 giai đoạn chính: Giai đoạn khởi phát và giai đoạn toàn phát. Cụ thể như sau:
Giai đoạn khởi phát
Tùy thuộc vào từng loại và mức độ nghiêm trọng mà triệu chứng tai biến mạch máu não trong giai đoạn khởi phát ở mỗi người là khác nhau. Có những người đột ngột ngã vật ra và hôn mê sâu, nhưng nhiều người khác lại chỉ bị đau đầu nhẹ, biểu hiện không rõ ràng và dễ bị bỏ qua.
Tuy các triệu chứng khác nhau nhưng bạn có thể nhận biết cơn tai biến mạch máu não với những dấu hiệu phổ biến nhất đó là:
-
Đột ngột đau đầu, chóng mặt không rõ nguyên nhân.
-
Một bên mặt bị rủ xuống, đồng thời một bên cánh tay, chân buông thõng, mất cảm giác.
-
Một hoặc cả hai bên mắt mờ dần, thị lực giảm sút hẳn, tai bị ù.
-
Khó nói, không thể kiểm soát lời nói; mất nhận thức, người bệnh không hiểu người khác đang nói gì và chính mình đang muốn nói điều gì.
Giai đoạn toàn phát
Ở giai đoạn này, người bệnh có thể gặp những hội chứng phổ biến như: Rối loạn hệ thần kinh (thần kinh kém hoặc bất thường kèm theo ảo tưởng hoặc ảo giác), hội chứng màng não (bao gồm 3 nhóm triệu chứng chính: hội chứng kích màng não, triệu chứng về dịch não tủy, triệu chứng tổn thương não)... Trong đó, các triệu chứng tổn thương não (của hội chứng màng não) là biểu hiện rõ ràng và nghiêm trọng nhất. Cụ thể đó là rối loạn thần kinh (lơ mơ, hôn mê, mơ sảng); rối lọan cơ tròn (tiểu đại tiện không tự chủ); rối loạn vận động (liệt hoặc tổn thương các dây sọ não (dây số VI)).
Khi hôn mê, người bị tai biến mạch máu não thường hôn mê sâu và nặng. Đi kèm với hôn mê là sắc mặt tái nhợt, thở to, khó nuốt, mất phản xạ giác mạc và đồng tử mắt. Trên thực tế, rất khó phân biệt được bên lành và bên liệt.
5. Biến chứng của đột quỵ:
Liệt vận động:
Theo thống kê, có khoảng 90% người bị liệt vận động (liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt) sau tai biến mạch máu não. Di chứng này gây khó khăn cho bệnh nhân về chế độ sinh hoạt, đi lại hàng ngày. Bệnh nhân cần phải phục hồi sau tai biến mạch máu não nếu không sẽ không thể tự chăm sóc bản thân mình mà phải phụ thuộc và người thân chăm sóc. Đồng thời khi phải nằm liệt lâu, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như: viêm loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, viêm đường hô hấp… dễ gây nhiễm trùng, thậm chí tử vong cho người bệnh.
( Liệt vận động rất khó phục hồi và đòi hỏi rất nhiều thời gian cố gằng)
Rối loạn nhận thức:
Rối loạn nhận thức là sự suy giảm các chức năng cao cấp của vỏ não do tổn thương tế bào não và rối loạn chức năng não gây nên. Đây là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh tai biến mạch máu não dẫn đến sa sút trí tuệ của người bệnh. Tỉ lệ gặp rối loạn nhận thức ở bệnh nhân sau tai biến mạch máu não khoảng hơn 60%. Bệnh nhân bị rối loạn nhận thức có các biểu hiện như: hay quên, suy giảm trí nhớ, đầu óc lơ mơ không tỉnh táo, mất khả năng định hướng không gian, thời gian, không nhận biết được người thân, gia đình của mình và không hiểu được lời nói của người khác…
Rối loạn ngôn ngữ:
Sau tai biến mạch máu não, bệnh nhân có thể bị tổn thương dẫn đến rối loạn về ngôn ngữ. Người bệnh có thể gặp hiện tượng rối loạn ngôn ngữ với biểu hiện khá đa dạng như: nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi,… và gặp khó khăn khi diễn đạt, thậm chí là không nói được.
Rối loạn thị giác:
Theo các chuyên gia, rối loạn thị giác có thể là tạm thời nhưng cũng có thể là vĩnh viễn. Bệnh nhân bị rối loạn thị giác có biểu hiện là mắt nhìn mờ một bên hoặc cả hai bên, mù một phần hoặc toàn bộ, quầng hoặc đau mắt. Rối loạn thị giác sau tai biến mạch máu não gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực của người bệnh. Nếu không được chữa trị và phục hồi sau tai biến mạch máu não ở giai đoạn sớm thì càng ngày bệnh nhân sẽ không còn nhiều hi vọng để thấy lại ánh sáng ở mắt đó.
Tiểu tiện không tự chủ:
Những người bị tai biến thường bị rối loạn cơ vòng. Ngoài ra, rối loạn cảm giác và nhận thức khiến bệnh nhân không kiểm soát được tình trạng tiểu tiện.
Rối loạn tâm lý:
Phần lớn bệnh nhân sau tai biến suy giảm hoặc mất khả năng chăm sóc bản thân và phải nhờ đến sự chăm sóc của người thân. Điều nay có thể khiến cho người bệnh cảm thấy tự ti, mặc cảm, dễ dẫn đến trầm cảm. Những bệnh nhân này cần nhận được sự quan tâm của người thân và có cộng đồng để chia sẻ những khó khăn và giải tỏa tâm lý.
6. Phương pháp phòng ngừa bênh đột quỵ và những di chứng của bệnh đột quỵ:
Khi thấy một người có các triệu chứng đột quỵ đã nêu ở trên, người nhà nên đỡ người bệnh để không bị té ngã và đặt nằm xuống chỗ thoáng khí. Nếu người bệnh nôn ói hoặc lơ mơ thì phải đặt nghiêng đầu sang một bên, lau sạch chất ói hoặc đờm dãi, thức ăn trong miệng để đường thở bệnh nhân thoáng, tránh hít ngược chất dịch gây sặc vào phổi.
Tuyệt đối không vắt chanh hay cho bất cứ thứ gì vào miệng bệnh nhân. Sau đó, gọi cấp cứu hoặc dùng xe nhanh chóng đưa tới bệnh viện gần nhất. Tốt nhất là đưa người bệnh đi cấp cứu ở tư thế nằm. Không cạo gió, trích máu, tự ý dùng thuốc (kể cả thuốc hạ huyết áp mà bệnh nhân thường uống) hay để mất thời gian chờ xem người bệnh có khỏe lại hay không.
Xem thêm: Thực hư chuyện chích máu 10 đầu ngón tay chữa khỏi đột quỵ
Giáo sư Lê Đức Hinh nhấn mạnh, việc cải thiện đột quỵ não rất khó khăn và phức tạp. Nếu may mắn được cứu sống thì người bệnh phải trải qua một quá trình luyện tập trong nhiều tháng, nhiều năm để phục hồi các chức năng. Do đó, người chưa mắc bệnh cần phát hiện sớm và can thiệp kịp thời để ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Đối với người từng bị tai biến mạch máu não, cần dự phòng bệnh tái phát.
Xem thêm: Cách phòng ngừa đột quỵ bằng các vị thuốc Đông y
Nên phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ não như tránh nếp sống tĩnh tại, tăng cường tập thể dục, vận động vừa sức; không lạm dụng các chất kích thích (thuốc lá, rượu bia... ); kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị các bệnh lý đi kèm; không ăn nhiều mỡ, chất ngọt, tinh bột; hạn chế muối; nên ăn nhiều rau, củ, quả; tránh stress, xúc động hay chấn thương tâm lý…
Nguồn: Tổng hợp