Vài điều bác sĩ chia sẻ về bệnh đột quỵ
Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não là chứng bệnh có giai đoạn phát triển âm thầm, lặng lẽ. Nhưng khi lên cơn đột quỵ sẽ như giọt nước tràn ly gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Đột quỵ là do một vùng não bị mất oxygen đột ngột do mạch máu bị ngưng tuần hoàn. Có 2 loại đột quỵ chính là đột quỵ do nghẽn mạch máu (ischemic stroke), chiếm phần lớn (85-90%) và đột quỵ do vỡ mạch máu (hemorrhagic stroke), chiếm ít hơn (dưới 10%).
Loại đột quỵ khác là TIA (cơn thiếu máu thoáng qua) cũng có thể coi là một dạng đột quỵ cho nghẽn mạch máu, nhưng cục máu đông sau đó lọt qua được khe hẹp và dòng máu lưu thông trở lại (nên gọi là cơn thiếu máu thoáng qua).
(Hơn 30% bệnh nhân bị đột quỵ sau khi gặp những cơn thiếu máu thoáng qua)
Đột quỵ là một quá trình phát triển bệnh từ từ, không có triệu chứng, đến một giai đoạn nhất định thì bùng phát như giọt nước tràn ly. Với đột quỵ do nghẽn mạch máu (ischemic stroke) thì quá trình này bắt đầu từ cao huyết áp không kiểm soát, cao mỡ, tiểu đường, và các yếu tố viêm như hút thuốc lá khiến mạch máu dần dần bị nghẹt, hồng cầu không đưa đủ oxy và dưỡng chất đến não gây chết tế bào thần kinh.
>> Xem thêm: Tắc - nghẽn mạch máu não là gì?
Với trường hợp vỡ mạch máu (hemorrhagic stroke) cũng vậy, thường bắt đầu bằng cao huyết áp không kiểm soát, dẫn đến xơ vữa cứng động mạch làm dễ vỡ khi áp lực trong mạch máu quá lớn khiến máu tràn vào não gây hoại tử tế bào thần kinh nếu không được cấp cứu nhanh chóng.
>> Xem thêm: Đột quỵ nguy hiểm ra sao?
Đột quỵ do vỡ túi phình mạch máu não (brain aneurysm rupture)
Loại đột quỵ vỡ mạch máu do túi phình (Aneurysm) là loại nguy hiểm hơn do vỡ mạch máu dạng này thường lớn, tổn thương nhiều hay toàn bộ vùng não, và khó can thiệp.
(Túi phình mạch não khá phổ biến nhưng chỉ gây nguy hiểm khi kích thước túi đạt khoảng 2.5cm)
Vỡ túi phình thường dẫn đến xuất huyết dưới màng nhện (subarachnoid hemorrhage) khiến cho phần không gian dưới nhện, là nơi dịch não tủy lưu thông, bị nghẽn, khiến cho bệnh nhân bị liệt, hôn mê, thậm chí tử vong rất nhanh.
Túi phình là giãn nở một đoạn của động mạch khiến cho thành mạch vùng này mỏng hơn so với chỗ khác (tương tự như phù ruột xe đạp). Thường túi phình phát triển chỗ nhánh rẽ của động mạch do thành mạch nơi này thường mỏng hơn so với chỗ khác.
Túi phình trong não có nhiều kích cỡ khác nhau, từ vài milimet đến vài cm. Khoảng 6.5 triệu người Mỹ có túi phình trong não (1 trong 50 người), xuất hiện ở nữ có nhiều hơn nam, và túi phình thường xuất hiện trong khoảng tuổi 35 đến 60, phần lớn túi phình phát triển sau 40 tuổi. Ở phụ nữ, nhất là sau 55 tuổi, có rủi ro vỡ túi phình gấp 1.5 lần so với nam.
Ước tính khoảng 50-80% túi phình cỡ nhỏ không bị vỡ. Kích cỡ túi phình trên 2.5 cm (khoảng 1 inch) là dạng lớn và rất nguy hiểm do khả năng vỡ cao và khó chữa.
Mọi người cần nhớ ít nhất 1 trong 3 nhóm dấu hiệu sau, xuất hiện đột ngột thì nguy cơ bị đột quỵ từ 90 - 95%, đó là dấu hiệu F.A.S.T:
-
Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi-má mờ.
-
Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Không thể cầm, nắm, đi lại.
-
Rối loạn ngôn ngữ (Speech): Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ ... như bình thường trước đó.
-
Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
(Người nhà và bệnh nhân cần chú ý 4 đặc điểm báo hiệu đột quỵ)
Một số yếu tố làm gia tăng đột quỵ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ điển hình phải kể đến cholesterol cao và thừa cân: Cholesterol thừa có thể tích tụ trên thành động mạch và dẫn đến tắc những mạch này. Thừa cân làm quá tải toàn bộ hệ tuần hoàn và mở đường cho các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ, như là cao huyết áp, tiểu đường.
(Mảng xơ vữa và Cholesterol cao trong máu gây vỡ động mạch)
Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, đẩy nhanh rõ rệt quá trình xơ cứng ở động mạch, và thành mạch, khiến tim làm việc nhiều hơn và tăng áp lực máu đến thành mạch gây nứt, vỡ mạch máu.
Sử dụng rượu nhiều (đặc biệt là uống quá độ); cocain và methamphetamin làm hẹp mạch máu tạm thời và tăng lượng hồng cầu gây nguy cơ vỡ mạch máu cao
Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Do đó, cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.
Khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách:
-
Đỡ người bệnh để không bị té ngã gây chấn thương.
-
Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói. Móc hết đàm, nhớt để bệnh nhân dễ thở.
-
Gọi xe đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
-
Đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt, để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang bị sặc, bị chèn ép.
( Cách xử lý khi gặp người đột quỵ - tai biến)
Những điều tuyệt đối tránh khi gặp bệnh nhân đột quỵ:
-
Không được tự ý điều trị như bấm huyệt, châm cứu, đánh gió… vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.
-
Không cho bệnh nhân ăn uống và đề phòng nôn trào ngược.
-
Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 220/120 mmHg và - không dùng thuốc hạ huyết áp quá nhanh.
>> Xem thêm: Hướng dẫn sơ cứu khi gặp bệnh nhân đột quỵ
Nguồn: Kiến Thức Y Học
Nguồn tham khảo:
+ B.S. Huỳnh Wynn Trần (bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Methodist Hospital)
+ TS.BS NGUYỄN BÁ THẮNG. (Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh BV ĐHYD, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM)
+ BS. Vũ Ngọc Linh.